Một công ty nhỏ trên bờ vực sụp đổ nhưng bằng vào sự nỗ lực, kiên trì và sáng tạo, giờ đây được cả thế giới săn đón (ASML), trong đó có cả các “gã khổng lồ” ngành bán dẫn toàn cầu.
Công ty nắm giữ “trái tim” của ngành công nghệ bán dẫn
ASML hiện đang là nhà sản xuất hệ thống quang khắc lớn nhất thế giới để sử dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn . Công ty được thành lập vào năm 1984 với tên gọi ASM Lithography bởi liên doanh giữa “gã khổng lồ” điện tử Philips của Hà Lan và nhà sản xuất máy chip Advanced Semiconductor Materials International (ASMI).
Ban đầu, công ty gặp nhiều khó khăn về kinh phí, họ phải thuê một nhà kho dột nát bên cạnh văn phòng Philips ở Eindhoven, Hà Lan. Hệ thống in thạch bản đầu tiên của công ty, có tên là PAS 2000 stepper, được ra mắt cùng năm đó. Đến năm 1988, ASML mở rộng sang thị trường châu Á sau khi công ty thành lập một xưởng đúc liên doanh tại Đài Loan. Nhưng, khi này công ty vẫn là một công ty nhỏ và trải qua sự cạnh tranh khốc liệt trong một thị trường có nhiều nhà cung cấp.
Khi ngành công nghiệp điện tử toàn cầu bị suy thoái, Philips tuyên bố bắt tay vào các biện pháp cắt giảm chi phí đáng kể. Trong khi đó, cổ đông lớn của ASMI cũng rút lui sau khi các khoản đầu tư vào hoạt động mang lại lợi nhuận thấp. Thời điểm này, sự tồn tại của ASML như “mành treo chuông” và chủ yếu bằng niềm tin vào khả năng nghiên cứu và phát triển của mình.
Công ty đã cố gắng đảm bảo đủ kinh phí để phát triển PAS 5500, một nền tảng đột phá được phát hành vào năm 1991 giúp họ cạnh tranh với các đối thủ lớn như Canon và Nikon. Tuy nhiên, vào thời điểm sống còn, PAS 5500 đã chứng tỏ là một con bài tẩy của công ty.
Trong những năm 2000, ASML đã phát hành các hệ thống với công nghệ mang tính cách mạng. Hệ thống TWINSCAN phơi sáng một tấm bán dẫn trong khi tấm bán dẫn tiếp theo đang được đo và căn chỉnh, giúp tối đa hóa năng suất và độ chính xác của hệ thống.
Tiếp đó, đến năm 2007, công ty đã mua lại nhà thiết kế và sản xuất chất bán dẫn hàng đầu BRION Technologies với giá 270 triệu USD, hai công ty sau đó đã tập hợp các nguồn lực để tối ưu hóa toàn bộ quy trình sản xuất chip. Sau đó, một số thương vụ mua lại khác được thực hiện trong những năm 2010, bao gồm nhà sản xuất nguồn sáng in thạch bản Cymer và nhà cung cấp công cụ đo lường chùm tia điện tử Hermes Microvision.
Tuy nhiên, bước đột phá lớn nhất của ASML là việc công ty đã nghiên cứu ra nguyên mẫu in thạch bản cực tím (EUV) đầu tiên trên thế giới. Công nghệ mới này được coi là mở ra một kỷ nguyên mới trong kỹ thuật in thạch bản vì nó tạo ra những con chip nhanh hơn, mạnh hơn.
Hiện tại, ASML kiếm tiền bằng cách bán các máy sản xuất chất bán dẫn. Cụ thể hơn, họ bán máy in khắc cực tím (EUV) sử dụng công nghệ ánh sáng tia cực tím để in các thiết kế mẫu mạch lên các tấm silicon. Công ty hiện có hơn 90% thị phần trong thị trường in thạch bản EUV, với mỗi máy có giá khoảng 150 triệu USD. Một số khách hàng lớn của họ bao gồm Samsung và Intel.
Ngoài ra, công ty cũng bán phần mềm để đáp ứng nhu cầu của ngành về năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn và quy trình sản xuất chip đơn giản hơn. Nâng cấp phần mềm cũng là một nguồn doanh thu đáng kể của họ khi các khách hàng bao giờ cũng tìm cách tăng công suất một cách nhanh chóng. Trong vòng đời 20 năm thông thường của máy bán dẫn, những nâng cấp này có thể mang lại cho công ty tới 50% giá mua ban đầu. Doanh thu hàng năm của ASML hiện đạt con số trên 22 tỷ USD.
Vì sao ASML được săn đón?
Mới đây, Giám đốc điều hành ASML Peter Wennink đã đến thăm Hàn Quốc. Tại đây, ông đã được đích thân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và hai trong số các chủ tịch tập đoàn Chaebol lớn nhất nước, Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong và Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won tiếp đón nồng hậu.
Theo văn phòng tổng thống, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã lên tiếng đề xuất ASML đầu tư thêm vào Hàn Quốc. “Nếu ASML xây dựng một nhà máy sản xuất hoặc trung tâm R&D tại đây, như quyết định xây dựng trung tâm sửa chữa và trung tâm đào tạo kỹ sư, cả hai nước sẽ có thể đối phó tốt hơn với việc tổ chức lại chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”, tổng thống Hàn Quốc cho biết.
Không phải ngẫu nhiên mà CEO của ASML lại được săn đón đến vậy. Đơn giản vì công ty thiết bị bán dẫn của Hà Lan là nhà sản xuất máy in thạch bản cực tím (EUV) duy nhất trên thế giới. Thêm vào đó, ASML cũng đang xem xét các khoản đầu tư bổ sung vào Hàn Quốc trong thời gian tới.
Hiện tại, ASML đã động thổ cụm bán dẫn trị giá 240 tỷ won (180 triệu USD) tại Hwaseong, tỉnh Gyeonggicủa Hàn Quốc. Cùng với đó, các trung tâm đào tạo kỹ sư và sửa chữa của công ty Hà Lan hiện cũng đang được xây dựng tại thành phố phía nam Seoul, nơi đặt các nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Samsung.
Với việc xây dựng cụm bán dẫn này, Samsung và SK hynix dự kiến sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường toàn cầu bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các bộ phận được vận chuyển từ Hà Lan để sửa chữa và bảo trì thiết bị sản xuất chip.
Trên thực tế, các nhà sản xuất chip Hàn Quốc như Samsung và SK đều đã và đang sử dụng máy EUV của ASML. Chính vì vậy, họ đang tìm cách tăng cường mối quan hệ với công ty Hà Lan, để đối phó với sự cạnh tranh gay gắt với TSMC của Đài Loan. Thậm chí, chủ tịch Samsung đã đến thăm trực tiếp trụ sở của ASML tại Hà Lan để gặp CEO của công ty vào tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, dù được săn đón như vậy nhưng ASML vẫn chưa chắc chắn về việc mở một cơ sở sản xuất tại Hàn Quốc. Họ đang đặt các thứ lên bàn cân khi vừa quan hệ với Hàn Quốc lại vừa chơi với Đài Loan. Mới đây, họ đưa ra một kế hoạch đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào Đài Loan trong năm tới với số tiền gần 1 tỷ USD.